Wikipedia:Thông tin kiểm chứng được
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Viết tắt
|
---|
Trang này giải thích một quy định chính thức của Wikipedia tiếng Việt. Nó được đa số các thành viên chấp nhận và được xem là chuẩn mực mà tất cả các thành viên nên tuân thủ. Xin đừng sửa đổi trang này trừ phi sửa đổi của bạn đã được sự đồng thuận. Nếu bạn muốn đề nghị những sửa đổi hoặc hoài nghi về quy định nào đó, xin hãy sử dụng trang thảo luận. |
Tóm tắt trang này: Những nội dung bị nghi ngờ hoặc có thể bị nghi ngờ, và tất cả các đoạn trích, phải được dẫn từ một nguồn đáng tin cậy đã được xuất bản. |
Quy định chung |
---|
Nguyên tắc |
|
Quy định về nội dung |
|
Quy định về cách ứng xử |
|
Các thể loại quy định khác |
|
Quy ước |
|
|
Thông tin muốn được đưa vào Wikipedia phải là thông tin có khả năng kiểm chứng được, chứ không nhất thiết phải đúng. Theo đó, người đọc phải có khả năng kiểm tra rằng nội dung được đưa vào Wikipedia đã được xuất bản bởi một nguồn đáng tin cậy, chứ không phải chúng ta cho rằng nội dung đó là đúng hay không. Người viết cần đưa vào các nguồn tin đáng tin cậy cho các đoạn trích (đã đưa vào bài) cũng như cho bất cứ nội dung nào (bị nghi ngờ hoặc có thể bị nghi ngờ), nếu không, nội dung đó có thể bị xóa bỏ.
Wikipedia:Thông tin kiểm chứng được là một trong ba quy định chính về nội dung của Wikipedia. Hai quy định còn lại là Wikipedia:Không đăng nghiên cứu chưa công bố và Wikipedia:Thái độ trung lập. Kết hợp với nhau, các quy định này sẽ quyết định các nội dung thuộc thể loại và chất lượng nào thì được chấp nhận tại Wikipedia. Không nên hiểu các quy định này độc lập với nhau, các thành viên tham gia soạn thảo nên cố gắng kết hợp cả ba. Các nguyên tắc, mà ba quy định này được xây dựng trên đó, chỉ có thể được thảo luận tại cấp tổ chức cao của Wikimedia, không phải tại cấp Wikipedia tiếng Việt.
Để bàn về độ tin cậy của các nguồn cụ thể, xem Wikipedia:Nguồn đáng tin cậy/Bảng tin.
Mục lục
[xem]Nhiệm vụ dẫn chứng
- Xem Wikipedia:Chú thích nguồn gốc và Wikipedia:Cước chú để biết cách viết các chú thích nguồn gốc
Việc cung cấp dẫn chứng cho một nội dung là nhiệm vụ của người đưa nội dung đó vào bài hay muốn giữ nó trong bài. Tất cả trích dẫn và bất kì nội dung nào bị nghi ngờ hoặc có thể bị nghi ngờ cần phải được dẫn chiếu tới một nguồn tin cậy đã xuất bản, bằng cách chú thích nguồn tại chỗ (inline citation). Nguồn cần được dẫn một cách rõ ràng và chính xác để người đọc có thể tìm được văn bản hỗ trợ cho nội dung đang được nói đến. Người soạn cần dẫn nguồn một cách đầy đủ, cung cấp các thông tin xuất bản nhiều nhất có thể, trong đó có số trang khi dẫn sách.[1]
Nếu không tìm thấy nguồn độc lập đáng tin cậy cho chủ đề một mục từ, Wikipedia không nên có một mục từ về chủ đề đó.
Bất kỳ nội dung nào không có nguồn gốc đáng tin cậy đều có thể bị xóa bỏ, nhưng người soạn có thể phản đối nếu bạn xóa nội dung mà không cho họ đủ thời gian để cung cấp nguồn dẫn chứng. Nếu bạn muốn yêu cầu một nguồn dẫn chứng cho một khẳng định không có nguồn gốc, hãy xem xét việc gắn tiêu bản {{cần dẫn nguồn}} vào cuối câu đó, hoặc tiêu bản {{thiếu nguồn gốc}} vào đầu bài/đoạn đó. Hoặc bạn có thể chuyển nó vào trang thảo luận của bài, hay viết một tin nhắn vào trang thảo luận đó để yêu cầu dẫn nguồn. Bạn cũng có thể làm cho các câu không nguồn gốc không hiện lên trên bài bằng cách gắn các thẻ <!-- trước đoạn bạn muốn "giấu" và --> vào sau đó, cho đến khi các nguồn đáng tin cậy đã được cung cấp. Khi sử dụng kỹ thuật này, hãy để lại tin nhắn tại trang thảo luận.[2]
Đừng để các thông tin không có nguồn gốc hoặc được dẫn nguồn một cách không đầy đủ hoặc nguồn không đáng tin cậy hiện trong bài, nếu nó có thể gây thiệt hại cho danh tiếng của người đang sống hoặc các cơ quan tổ chức, và cũng đừng chuyển nó ra trang thảo luận (Xem chi tiết tại Wikipedia:Tiểu sử người đang sống. Như Jimmy Wales đã nói:
Tôi KHÔNG thể nhấn mạnh việc này cho đủ. Một số thành viên có một khuynh hướng đáng sợ, đó là: nên gắn thẻ 'cần dẫn nguồn' cho dạng thông tin suy đoán kiểu như 'tôi đã nghe ở đâu đó rằng'. Sai. Thông tin loại đó cần phải được loại bỏ một cách mạnh tay, trừ khi nó có thể được cung cấp nguồn dẫn chứng. Điều này đúng cho mọi thông tin, nhưng nó đặc biệt đúng đối với thông tin tiêu cực về những người đang sống.–Jimmy Wales [3]
Nguồn
Viết tắt quy định: WP:Nguồn |
---|
- Xem thêm: Wikipedia:Thái độ trung lập, Wikipedia:Tiểu sử người đang sống, và Wikipedia:Không đăng nghiên cứu chưa được công bố#Nguồn sơ cấp, nguồn thứ cấp, và nguồn hạng ba
Nguồn đáng tin cậy
Các mục từ nên dựa trên các nguồn tin độc lập đáng tin cậy với danh tiếng về tính chính xác và việc kiểm tra sự thật[4]. Các nguồn đáng tin cậy cần cho việc minh chứng cho nội dung trong mục từ và cho việc thừa nhận các tác giả và nhà xuất bản nhằm mục đích tránh ăn cắp và vi phạm bản quyền. Các nguồn cần trực tiếp hỗ trợ thông tin như cách nó được trình bày trong bài và cần phù hợp với các khẳng định đã được đưa ra trong bài. Các khẳng định đặc biệt đòi hỏi các nguồn đáng tin cậy ở mức độ cao.
Tất cả các bài viết phải tuân theo quy định về thái độ trung lập của Wikipedia, trình bày tất cả các quan điểm đa số cũng như các quan điểm thiểu số nổi bật mà đã được công bố bởi các nguồn đáng tin cậy, theo tỷ lệ tương đối với mức độ nổi trội của mỗi quan điểm. Không cần nhắc đến các quan điểm thiểu số quá nhỏ và các lý thuyết ngoài luồng (fringe theory), ngoại trừ trong các bài được dành riêng cho chúng.
Nói chung, các nguồn đáng tin cậy nhất là các tạp chí có phản biện (peer review) và các cuốn sách xuất bản tại các nhà xuất bản đại học; sách giáo khoa đại học; tạp chí, tập san, và sách xuất bản tại các nhà xuất bản có uy tín; và trên báo chí chủ lưu (mainstream newspaper). Theo quy tắc ngón tay cái, nếu người ta càng kỹ lưỡng trong việc kiểm tra các sự kiện, phân tích các vấn đề pháp lý, và xem xét các bằng chứng và luận cứ của một tác phẩm, thì tác phẩm đó càng đáng tin cậy.
Các ấn phẩm hàn lâm và có phản biện được đánh giá cao và thường là các nguồn đáng tin cậy nhất trong các lĩnh vực chuyên môn, chẳng hạn như lịch sử, y học, và khoa học. Tài liệu từ các nguồn không hàn lâm cũng có thể được sử dụng trong các lĩnh vực này, đặc biệt nếu chúng là từ các ấn phẩm chính thống được kính trọng. Sự phù hợp của một nguồn luôn phụ thuộc vào ngữ cảnh. Khi có sự mâu thuẫn giữa các nguồn, các quan điểm của các nguồn này phải được trình bày rõ ràng trong bài.
Wikipedia:Nguồn đáng tin cậy là một hướng dẫn về độ tin cậy của các loại nguồn cụ thể. Do các quy định có hiệu lực cao hơn các hướng dẫn, khi có sự không thống nhất giữa trang này và trang đó, trang này được quyền ưu tiên, và Wikipedia:Nguồn đáng tin cậy sẽ phải được sửa lại một cách tương ứng. Để bàn về độ tin cậy của các nguồn cụ thể, xem Wikipedia:Nguồn đáng tin cậy/Bảng tin.
Nguồn đáng nghi
Viết tắt quy định: WP:Nguồn đáng nghi |
---|
Nguồn đáng nghi ngờ là nguồn có tiếng xấu về việc kiểm tra sự kiện. Các nguồn như vậy bao gồm các trang web và các nhà xuất bản thể hiện các quan điểm được thừa nhận rộng rãi là cực đoan, có tính chất quảng cáo, hoặc dựa nhiều vào các tin đồn và các quan điểm cá nhân. Chỉ nên dùng các nguồn đáng nghi để kiểm chứng cho các tuyên bố về chính các nguồn này, như được miêu tả bên dưới. Bài về các nguồn như vậy không nên chứa bất cứ khẳng định gây tranh cãi nào mà nguồn này đưa ra về các bên thứ ba, trừ khi các khẳng định này đã được công bố bởi các nguồn đáng tin cậy.
Nguồn tự xuất bản
Viết tắt quy định: WP:Nguồn tự xuất bản |
---|
Bất cứ ai cũng có thể tạo một website hoặc bỏ tiền để xuất bản một cuốn sách, và rồi tự nhận là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Vì vậy, các cuốn sách tự xuất bản, newsletter, website cá nhân, các dự án wiki mở, blog, các bài đăng trên diễn đàn (forum), và các nguồn tương tự hầu như không phải là các nguồn chấp nhận được.[5]
Trong một số trường hợp, nội dung tự xuất bản có thể được chấp nhận khi tác giả của nó là một chuyên gia nổi tiếng về chủ đề của mục từ, và tác giả này đã có công trình thuộc lĩnh vực liên quan được xuất bản bởi các nhà xuất bản độc lập đáng tin cậy. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi sử dụng các nguồn như vậy: nếu thông tin đang quan tâm thực sự đáng được nói đến, thì nhiều khả năng là nó đã được công bố bởi một nơi khác rồi.
Không bao giờ nên dùng các nguồn tự xuất bản như là nguồn của bên thứ ba về những người đang sống, ngay cả khi tác giả là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp hoặc tác giả nổi tiếng; xem Wikipedia:Tiểu sử về người đang sống#Nguồn đáng tin cậy.
Bài viết và nội dung tại Wikipedia không được dùng làm nguồn.
Nguồn tự xuất bản và nguồn đáng nghi cho các nội dung về chính các nguồn này
Nội dung từ các nguồn tự xuất bản và các nguồn không đáng tin cậy khác có thể được dùng làm nguồn dẫn chứng cho các thông tin về chính các nguồn đó trong các bài về các nguồn này, với các điều kiện:
- Nội dung liên quan đến sự nổi tiếng của người đó hay tổ chức đó;
- Nội dung đó không bị tranh chấp;
- Nội dung đó không quá vụ lợi (self-serving);
- Nội dung đó không chứa các tuyên bố về các bên thứ ba, hoặc về các sự kiện không trực tiếp liên quan đến chủ thể;
- Không có nghi ngờ đáng kể nào về việc ai là người viết nội dung này.
Nguồn không phải tiếng Việt
Vì đây là Wikipedia tiếng Việt, để tiện cho người đọc, người soạn nên ưu tiên sử dụng các nguồn tài liệu tiếng Việt hơn các nguồn ngôn ngữ khác, với giả thuyết có nguồn tiếng Việt chất lượng tương đương, để người đọc có thể dễ dàng kiểm chứng là tài liệu nguồn đã được sử dụng một cách đúng đắn. Khi sử dụng một nguồn không phải tiếng Việt để hỗ trợ một nội dung có thể bị nghi ngờ, hoặc khi dịch một trích dẫn trực tiếp bất kỳ, người soạn cần trích dẫn nguyên văn phần có liên quan từ văn bản gốc tại một cước chú hoặc ngay trong bài, như vậy người đọc có thể kiểm tra xem đoạn đó có thống nhất với nội dung trong bài hay không. Các đoạn dịch đã được xuất bản bởi nguồn đáng tin cậy được ưu tiên hơn các cách dịch của thành viên Wikipedia.
Các khẳng định đặc biệt đòi hỏi các nguồn đặc biệt
- Xem thêm: Wikipedia:Các thuyết ngoài luồng
Nếu có một số dấu hiệu đặc biệt sau, người soạn cần xem xét nguồn dẫn cho một khẳng định:
- các khẳng định đáng ngạc nhiên hoặc có vẻ quan trọng nhưng không được các nguồn chính thống nói đến
- tin tức rằng ai đó nói một câu mà có vẻ không phù hợp với tính cách của người đó, hoặc câu nói đáng xấu hổ, gây tranh cãi, hoặc đi ngược lại một lợi ích mà người đó từng bảo vệ;
- các khẳng định mâu thuẫn với quan điểm phổ biến của cộng đồng có liên quan, hoặc có thể làm thay đổi lớn các quan niệm chính thống, đặc biệt trong khoa học, y học, lịch sử, chính trị, và tiểu sử người đang sống. Điều này đặc biệt đúng khi những người đề xuất có ý kiến rằng ở đây có âm mưu làm lãng quên chúng.
Tại Wikipedia, các khẳng định đặc biệt đòi hỏi các nguồn đáng tin cậy ở chất lượng cao; nếu không có các nguồn như vậy, nội dung đó không nên có trong bài. Cũng cần đảm bảo tuân theo các quy định khác, chẳng hạn quy định về tiểu sử người đang sống và sự không cân xứng trong quy định về thái độ trung lập
Xem thêm
- Wikipedia:Tiểu sử người đang sống
- Wikipedia:Phê phán
- Wikipedia:Đừng tung tin vịt
- Wikipedia:Không đăng nghiên cứu chưa được công bố
Đọc thêm
- Jimmy Wales. "WikiEN-l insist on sources", WikiEN-l mailing list, July 19, 2006.
Tham khảo
- ^ Khi có tranh cãi về việc nội dung trong bài có được hỗ trợ hoàn toàn bởi nguồn đã dẫn hay không, khi được yêu cầu, cần cung cấp các trích dẫn trực tiếp từ nguồn và bất kỳ chi tiết nào khác để phục vụ việc xác minh chú thích nguồn.
- ^ Xem Trợ giúp:Sửa đổi#Che không hiển thị: "Các chú thích vô hình dành cho những người soạn bài chỉ hiện ra khi soạn thảo trang. Nếu bạn muốn các chú thích này công khai, bạn nên mang nó ra trang thảo luận."
- ^ Jimmy Wales (16 tháng 5 năm 2006). “"Zero information is preferred to misleading or false information" - Thà không có không tin còn hơn thông tin sai hoặc gây hiểu nhầm”. WikiEN-l electronic mailing list archive. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2006.
- ^ Tại Wikipedia, thuật ngữ "nguồn" (source) có 3 nghĩa có quan hệ với nhau: chính tác phẩm đó, người tạo ra tác phẩm, và cơ quan xuất bản đã xuất bản tác phẩm. Cả ba đều có ảnh hưởng tới độ tin cậy.
- ^ "Blog" ở đây nói đến blog của cá nhân và nhóm. Một số tờ báo mở các chuyên mục tương tác mà họ gọi là blog, các bài này có thể được chấp nhận làm nguồn nếu tác giả là những người chuyên nghiệp và việc biên tập blog thuộc toàn quyền của tòa báo. Khi một cơ quan thông tấn báo chí đăng quan điểm của một chuyên gia nhưng phủ nhận trách nhiệm đối với quan điểm đó, tác giả của nội dung được trích dẫn cần được ghi rõ khi dẫn (ví dụ. "Jane Smith đã cho rằng..."). Các bài viết của độc giả không bao giờ được dùng làm nguồn
|
Thể loại:
- Quy định chính thức Wikipedia
- Quy định nội dung wikipedia
0 responses to “Wikipedia:Thông tin kiểm chứng được”